NĂM NGÔI MỘ CỔ THỜI CHÚA NGUYỄN LÀNG VĂN QUỸ
Mộ ngài tướng thần Lý Tài Tử Nguyễn văn Trung
Con cháu đến viếng mộ nhân ngày giổ của Ngài Sơ Tổ
Mộ ngài tri huyện thái hòa Nguyễn văn Nô
Di Tích Lịch Sử:Khu Lăng mộ Quảng Trị -du lịch trong lòng di tích... Nằm bên bờ Bắc sông Ô Lâu, thuộc làng Văn Quỹ,xã Hải Tân,huyện Hải Lăng,tỉnh Quảng Trị,có một khu nghĩa trang của làng xã, giống như những nghĩa trang khác,đây là một vùng đất hoang vắng, xa đường cái ít người qua lại,có chăng chỉ là những đứa trẻ chăn trâu. Nhưng vừa qua, trong một cuộc du ngoạn điền dã,những người nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu văn hoá dân gian miền Trung đã phát hiện được một nhóm 5 ngôi mộ kỳ lạ nằm rải rác trên diện tích khoảng 1.000m²,xen lẫn với những ngôi mộ mới ngày nay. Thoạt nhìn, những ngôi mộ này không có gì đặc biệt,chúng bị chìm lấp trong cây cỏ bờ bụi mọc um tùm,lâu ngày không ai để ý.Hơn nữa,cùng với thời gian,một lớp đất dày đã lấp dần lên những bờ tường của thành lăng và những nấm mồ,nên hình dáng lăng mộ xưa không còn được rõ nét.Những lăng mộ này được xây bằng vôi trộn mật,không có cốt gạch với hợp chất xây còn giữ lại nhiều vỏ hàu hến chưa giã nát có thể nhận ra dễ dàng.Đây là loại vật liệu thường thấy ở các lăng mộ rải rác trên các nghĩa trang miền Trung, mà người dân thường gọi là ma Tàu hay ma Vôi. Nhưng điều đáng chú ý là mỗi nấm mồ lại được đắp thành một hình khác nhau, có dáng dấp như một công trình điêu khắc hoàn chỉnh. Ngôi mộ thứ nhất có hình con rùa,với đầu, mai rùa và khoảng cách từ mai đến chân được phân định rõ ràng.Mộ thứ hai có hình quả đào,có thể nhìn thấy đường lõm chạy theo chiều dọc trên thân quả,các chi tiết ở đầu và cuống đều được thể hiện chân thực. Một ngôi mộ khác có hình lá sen đặt úp với những đường gân lá nổi lên rõ rệt.. Bao quanh nấm mồ là tường lăng, cung được xây bằng cùng thứ vật liệu như mộ. Các trụ cửa được xây theo một phong cách giống nhau, trên mặt trước của lăng số một còn thấy hai bức phù điêu đắp nổi bằng vôi,phần lớn đã bị chìm lấp dưới đất,nhưng vẫn còn nhận dạng được một hình con lân với nét khắc sâu, dứt khoát mạnh mẽ.Muốn khảo sát kỹ khu lăng mộ này cần phải có thời gian đào bới để gạt bỏ lớp đất phủ bên trên.
Đây quả là một kiến trúc độc đáo,chưa từng thấy ở các lăng mộ phía Bắc cũng như phía Nam.Thông thường trong các lăng mộ,nấm mồ được đắp thành hình tròn (hoặc bầu dục)hay hình chữ nhật, tùy theo nơi và tùy theo thời gian.Thậm chí ngày nay có những nấm mồ được đắp cầu kỳ với hình cánh hoa sen xếp tròn,với nhiều hình dáng khác nhau,nhưng ít khi thấy tạo thành một tác phẩm điêu khắc hoàn chỉnh như ở đây. Đấy cũng là điều khiến những người khảo sát phải đi tìm để xác định xem đấy là lăng mộ của ai và ở thời nào? May mắn là ở một ngôi mộ,còn phát hiện được tấm bia bằng sa thạch,tuy bị vỡ mấy chỗ nhưng vẫn còn đọc được chữ và những hoa văn trang trí hình “lưỡng long triều nhật”khá quen thuộc.Dòng chữ ghi trên bia là: "Đầu khảo Quang Nam Tướng thần lại ty Cai hợp Trần quí công chi mộ”.Không nghi ngờ gì nữa,đấy là mộ của một vị Cai hợp họ Trần,thuộc Tướng thần lại ty ở Quảng Nam - đấy là một chức quan dưới thời các Chúa Nguyễn ở Đàng Trong từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XVIII. Trong hệ thống cai trị của các Chúa Nguyễn, phủ Chúa có ba Ty,trong đó có Tướng thần lại ty. Đứng đầu Ty này là một vị Cai bạ và hai vị Cai hợp và Thủ hợp giúp việc, đảm trách việc thu thuế, chi phát lương thực cho quân các đạo. Như vậy đã rõ một trong những lăng mộ này là của một viên quan dưới thời chúa Nguyễn, do “Hiếu tử nam nhi, nữ tứ đồng lập thạch" (hai con trai và bốn con gái cùng lập bia). Từ chỗ giống nhau của phong cách xây dựng, có thể suy ra rằng những ngôi mộ ở đây được chôn cất trong cùng thời gian, khi trị sở của các chúa Nguyễn còn đóng tại Dinh Cát ở Quảng Trị. Đó là thời gian các chúa mới vào lập nghiệp ở phía Nam đầu thế kỷ XVII, nếu mở rộng việc tìm kiếm, chắc chúng ta sẽ còn biết thêm những dấu tích khác về thời các chúa ở khu vực này. Đây là một phát hiện quí. Vì những dấu vết vật chất thời các Chúa Nguyễn đến nay chỉ còn lại rất ít. Thời gian và những cuộc nội chiến đã khiến khá nhiều di tích bị hủy hoại, đặc biệt trên dải đất từ Quảng Bình đến Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế. Qua các lăng mộ này, ta biết thêm một phong cách mới trong việc xếp đặt nơi trở về cõi vinh hằng dành cho người đã khuất. Lăng mộ - nơi yên nghỉ của người quá cố phải là một nơi tĩnh lặng, và được xây dựng với tất cả tấm lòng quí trọng của người đang sống. Có thể xưa kia, khi người Việt mới khai phá, nơi đây còn là những khu rừng thiêng, cây cối um tùm, tạo nên không gian bao quanh kiến trúc của lăng mộ với những hình dáng đa dạng, càng làm tăng thêm không khí huyền ảo của nơi tưởng niệm. Khu lăng mộ Quảng Trị tuy chỉ mới là một phát hiện khiêm tốn, nhưng sẽ là một chứng tích vật chất giúp ta tìm hiểu thêm về một giai đoạn lịch sử đến nay còn ít được biết đến. Mong rằng trong tương lai, với vị trí cách thành phố Huế không xa, nơi đây sẽ trở thành một điểm tham quan cho những ai muốn trở về với những dấu vết văn hóa xưa của dân tộc.
Nguồn: Congdulich (Theo Saigonnet) Nguyễn Văn Hiền Sưu tầm và đăng bàiCảm nhận:
Chưa có phản hồi (Cảm nhận) công khai nào.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét