Thứ Sáu, 26 tháng 12, 2014

NHÂN QUÃ LUÂN HỒI



GƯƠNG NHÂN QUẢ: SÁT HẠI ĂN THỊT BA BA – MẤT MẠNG CẢ GIA ĐÌNH
Ở Thượng Hải, có nhà triệu phú họ Bành, một doanh thương cự phú ở đô thị. Ông nghiên cứu được món ăn rất hấp dẫn, mệnh danh là món “quán miết giáp” (rót nước vào mai ba ba). Ông chế một chiếc nồi đất, trên vung có đục một lỗ nhỏ vừa bằng đầu con ba ba chui lọt. Rồi cho ba ba vào nồi nước đem đặt lên bếp đun. Dĩ nhiên, một lúc sau nước nóng ba ba chịu không nổi phải tìm lối thoát và nó chỉ còn một cách duy nhất là cho cổ chui ra khỏi lỗ vung nồi, nhưng thân mình thì đâu dễ gì thoát khỏi. Nước càng nóng ba ba chỉ còn biết hả miệng chờ chết, thế là nhà cự phú họ Bành đàng hoàng ngồi đổ gia vị vào miệng ba ba (dầu, húng lìu, mỡ, thịt băm nhỏ) rồi bịt kín nồi hầm nhừ thành một món ăn mà họ Bành cho là “dzách lầu” ở trên thế gian này… Họ Bành thường ăn như vậy và thường làm cả trăm con một lúc để đãi khách.
Thế nhưng “ác giả thì ác báo”. Một hôm nhà họ Bành xảy ra hỏa hoạn, lúc ấy họ Bành đang say sưa trong giấc mộng sau một đại tiệc toàn là món miết giáp. Khi phát hiện ra hỏa hoạn, họ Bành tỉnh giấc thì đã muộn, lửa cháy chung quanh, luống cuống, họ Bành tìm không ra chìa khóa cửa. Vì là cự phú nên ông rất sợ bị bắt cóc và trộm cướp cho nên lúc nào cũng ở trong phòng kiên cố trên lầu, cửa sắt bao bọc vững chắc. Lửa cháy tứ tung kéo đến gần kề. Cùng đường họ Bành thấy còn một lối thoát duy nhất là chiếc cửa sổ, ông liền chui đầu qua song sắt, nhưng khốn nỗi thân mình to béo với cái bụng nước lèo không thể lọt qua. Lúc ấy xe cứu hỏa tới, vì đầy khói nên không thấy họ Bành, cứ phun nước vào mặt mũi làm ông chết ngạt, đồng thời trong phòng lửa cháy dần dần thui sống ông trong thật thê thảm. Nhìn cảnh ấy ai cũng liên tưởng tới món miết giáp của ông. Trước kia ông hành hạ những con ba ba vô tội hết sức tàn ác, thì bây giờ ông cũng bị chết trong trường hợp y hệt như những con ba ba nạn nhân của ông. Thật là luật nhân quả có vay có trả, lúc nào cũng cân xứng.
Qua câu chuyện trên ta thấy, lúc thọ hưởng và thỏa mãn khẩu vị trên những đau khổ, quằn quại, rên xiết của động vật khác, ta tưởng là thú lắm, sung sướng lắm, bổ béo lắm. Nhưng khi chính ta lâm vào hoàn cảnh ấy ta mới thông cảm được thế nào là nước sôi lửa đốt. Chừng đó ta có oán hận ngọn lửa tàn ác kia sao lại dã man “thui” mình không một chút thương tiếc như thế, nó vẫn cứ mặc nhiên thiêu đốt, giống như họ Bành “rung đùi” lạnh lùng thản nhiên ngồi nhìn con ba ba thò đầu trong nồi nước sôi kia vậy. Quả là trước công lý mọi chúng sinh đều bình đẳng.“Khi ác nghiệp chưa thành thục người ngu tưởng như đường mật, nhưng khi ác nghiệp đã thành thục họ nhất định chịu khổ đắng cay” (Kinh Pháp Cú)
Sát sinh có rất nhiều hình thức, nói chung thì hình thức nào cũng dẫn đến quả báo. Tùy theo hành động thô bạo hay tế nhị, cố sát hay ngộ sát mà có sự nặng nhẹ khác nhau. Tổ Quy Sơn dạy: “Giả sử bá thiên kiếp, sở tác nghiệp bất vong, nhân duyên hội ngộ thời, quả báo hườn tự thọ”. Nghĩa là dầu trải trăm nghìn kiếp, nghiệp tạo rồi chẳng mất, khi nhân duyên đầy đủ, quả báo trở lại mình. Thế nên, tất cả mọi hành động nơi thân khẩu ý phải e dè thận trọng, tránh gây nhân bất thiện. Bởi vì, một khi hạt giống đã gieo xuống đất không sớm thì muộn, lúc nhân duyên đầy đủ nó liền nảy mầm đâm chồi.
(Trích từ tác phẩm: Tu Nhà – Thượng Tọa Thích Chân Tính)
NHÂN QUẢ BÁO ỨNG TƠ HÀO KHÔNG SAI, MỘT MẢY LÔNG BỤI TRẦN CŨNG KHÔNG THOÁT. NGHIỆP THIỆN ÁC LUÔN THEO TA NHƯ BÓNG THEO HÌNH.
VẬY VÌ SAO CHÚNG TA KHÔNG NGHĨ ĐẾN ĐIỀU TỐT, NÓI ĐIỀU TỐT VÀ LÀM ĐIỀU TỐT CHỨ?
XIN HÃY THƯỜNG NIỆM A DI ĐÀ PHẬT.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét